• Đặt phòng ngay

    Từ Tin tức

    CÁC MÓN ĂN CỔ TRUYỀN NGÀY TẾT

    Các món ăn cổ truyền của người Việt ngày Tết không chỉ đa dạng về món mà còn chú trọng về hình thức trình bày và màu sắc của món ăn. Đây là dịp người Việt chuẩn bị mâm cơm thịnh soạn, đầy đủ nhất để cúng tổ tiên, mong một năm mới ấm no, hạnh phúc và để cả gia đình vui vầy sum họp ngày đầu năm.

    #1: Bánh chưng

    Bánh chưng được coi là linh hồn của ngày Tết và là một loại bánh có lịch sử rất lâu đời trong nền văn hóa ẩm thực của Việt Nam. Bánh được làm từ loại gạo nếp ngon, thịt lợn, đậu xanh và được gói vuông văn bằng lá dong sau đó được đem luộc suốt trong vòng 14 giờ đến khi chín. Bánh dẻo, rất thơm mùi thơm của gạo nếp và có màu xanh của lá dong.

    Nhắc đến Tết không thể không nói đến bánh chưng xanh. Những tấm bánh vuông vức được gói khéo léo, tài hoa ấy vừa tượng trưng cho đất trời vừa là biểu tượng cho ẩm thực ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Dù là tự tay gói bánh, mua sẵn hay được biếu tặng thì bánh chưng xanh cũng luôn là một món không thể thiếu của mọi nhà.

    Ở miền Bắc từ khoảng giữa tháng Chạp nhiều nhà đã chuẩn bị đậu xanh, lá dong, gạo nếp, ống giang chẻ lạt gói bánh chưng. Ai nấy đều cố gắng chuẩn bị những nguyên liệu tốt nhất để bánh chưng nhà mình Tết đó được thơm ngon nhất.

    Bánh chưng không chỉ là một món ăn truyền thống ngày Tết Việt Nam mà đó còn là một dịp để gia đình sum họp, quây quần bên bếp lửa hồng. Bên nồi bánh chưng ấm áp các thế hệ trong gia đình kể cho nhau nghe về những điều đã qua, những dự định tương lai và bao câu chuyện khác

     

    #2 Bánh Tét

    Tương tự như bánh chưng ở miền Bắc, nhưng miền Nam lại hoàn toàn ngược lại và bánh tét ngọt hoặc mặn được ưa chuộng hơn bao giờ hết. Bánh chưng và Bánh Tét bao gồm các thành phần tương tự như gạo nếp, thịt ba chỉ và đậu xanh, nhưng sự khác biệt nằm ở hình dạng của chúng. Trong khi Bánh Chung là hình vuông và đại diện cho Trái đất, thì bánh tét có hình trụ  là đại diện cho Mặt trăng.Bánh tét ngọt/ mặn ở miền nam trông rất hấp dẫn bắt mắt với đa dạng màu sắc và cách gói hơn. Nếp được ngâm với đủ thứ lá tạo màu xanh, vàng hoặc tím bắt mắt. Nhân đỗ được đãi nhuyễn kết hợp với chuối hoặc các loại gia vị khác cho món ăn vô cùng thơm ngon hấp dẫn chỉ muốn ăn mãi không ngừng.

    #3 Dưa hành

    Trong mâm cơm ngày Tết của người Việt có rất nhiều món ngon, từ cao lương mĩ vị cho đến những món vô cùng giản dị, dân dã. Và một trong những món dân dã nhưng lại có vị trí đặc biệt trong mâm cỗ cổ truyền của người miền Bắc đó chính là món hành muối chua, hay còn gọi là dưa hành hay ở miền Nam là củ kiệu. Dưa hành củ kiệu dùng ăn kèm sẽ với các món ăn ngày Tết không bị ngấy khi ăn nhiều thức ăn có dầu mỡ và bạn sẽ thấy ngon miệng hơn.

    Bánh chưng xanh, bánh Tét thì phải có dưa hànhDưa hành củ kiệu có vị cay cay, hơi chua thường được dùng ăn kèm với bánh chưng, hay thịt đông vô cùng ngon, các món ăn trong ngày Tết làm tăng thêm hương vị của thức ăn và còn giúp cho cơ thể dễ tiêu hóa thức ăn hơn. Đây chính là món chống ngán hữu hiệu nhất trong ngày tết. Điều đặc biệt ở miền Nam khác hoàn toàn với miền Trung đó chính là củ kiệu không ăn cùng với bánh tét mà thường ăn kèm tôm khô thành một món riêng. Củ kiệu được ngâm chua ngọt khi ăn kèm tôm khô thì rắc thêm miếng đường cát sẽ khiến cho món ăn có đủ vị giòn, dai, hăng, mặn, ngọt để cánh mày râu nhâm nhi ngon lành thú vị..

    Cho dù cuộc sống luôn thay đổi nhưng chắc chắn một điều rằng Việt Nam còn Tết thì sẽ còn bánh chưng và dưa hành sẽ là món ăn đồng hành cùng những ngày Tết của dân tộc. Khi nhắc đến bánh chưng thì không thể bỏ qua món dưa hành củ kiệuhai món ăn này có trong mâm lễ thể hiện ngũ hành tương sinh tương khắc.

    #4: Mứt hoa quả

    Là một đất nước nhiệt đới với các loại hoa quả vô cùng phong phú, mứt trái cây hay trái cây sấy khô là một món ăn không thể thiếu được trong ngày Tết của người Việt Nam. Khi đến thăm một gia đình vào những ngày Tết, bạn sẽ đều được mời thưởng thức, nhâm nhi món ăn thú vị này.

    #5: Các loại hạt

    Hạt dưa, hạt điều, hạt hướng dương, hạt bí ngoài việc làm “vui tai, vui miệng” còn có nhiều công dụng hữu ích, có lợi cho sức khỏe; ví dụ hạt dưa lợi tiểu, hạ huyết áp, tăng cường sinh lực…

    Trong mấy ngày xuân, khi đến thăm và chúc Tết người thân, bạn bè, người ta thường quây quần bên ấm trà, bầu rượu để thưởng thức không khí đầu năm mới. Một trong những món thường góp vui lúc này là hạt dưa hoặc hạt điều, hạt hướng dương, hạt bí. Tiếng hạt vỡ lách tách làm cho “vui tai, vui miệng” cùng với vị ngọt béo, thơm ngon làm cho mọi người thấy thoải mái, vui vẻ hơn.

    #6: Gà luộc

    Gà luộc là một món ăn không thể không kể đến trong các dịp lễ Tết. Từ trước đến nay thì mọi người luôn tin tưởng rằng gà mang đến niềm may mắn, sự khởi đầu thuận lợi cho một năm mới. Người ta lựa chọn những con tươi ngon, làm sạch rồi sau đó cho vào nồi luộc cùng với 1 số gia vị như hoa tiêu, hoa hồi, gừng. Gà luộc chín tới sẽ có màu vàng, không bị rách da và được dùng chấm kèm với muối chanh ớt.Vị ngọt thơm của miếng thịt gà ăn kèm với lá chanh, chấm muối chanh ớt sẽ tạo nên một hương vị riêng rất khó quên.

    Trong mọi mâm cỗ từ đám cưới, đám hỏi, mừng thọ, tân gia thì không thể không có món thịt gà luộc. Và trong những ngày tết thì cũng không phải là ngoại lệ. Một món ăn đơn giản nhưng lại không thể thiếu được trong mâm cỗ ngày Tết.

    #7: Nem rán – Chả giò

    Trong mâm cỗ Tết món nem rán chính là món ăn đắt khách nhất. Nem rán nhìn thì đơn giản nguyên liệu cũng dễ kiếm nhưng lại thể hiện hết sự tài hoa, tinh tế của người chế biến ra nó. Nem là món ăn rất quen thuộc và phổ biến ở tất cả các vùng miền trên đất nước nhiều người yêu thích.

    Nem rán bên ngoài màu vàng óng, bên trong thì chứa đầy thịt, mộc nhĩ và giá, nem rán là món ăn độc đáo và hấp dẫn không thể thiếu được trong những ngày Tết của người miền Bắc. Món ăn này được rất nhiều người ưa thích còn được coi là “quốc hồn quốc túy” của người Việt.

     Món ăn ngày tết miền Nam này rất phổ biến và hầu như không thể thiếu trong bất cứ mâm cỗ tết của gia đình người miền nam nào. Đây còn là món ăn nổi tiếng của khắp nước ta mà vùng miền nào cũng có trong các dịp tết cổ truyền hoặc ngày giỗ. Nem rán thơm ngọt bùi béo với lớp nhân thịt và bỏ bánh ngoài giòn tan.

    #8 Giò chả

    Được biết đến như một món ăn vừa thông dụng vừa sang trọng giò lụa / chả lụa là một món ăn thường xuyên xuất hiện trong những bữa ăn của người dân Việt Nam và không thể thiếu trên mâm cơm ngày Tết. Giò lụa / chả lụa  truyền thống được làm từ 3 nguyên liệu chính là thịt nạc thăn giã nhuyễn kết hợp cùng nước mắm ngon sau đó gói trong lá chuối xanh và đem luộc chín. Khi bày cỗ giò thường được thái theo khoanh, chia thành miếng gọn gàng, trông đẹp mắt và dễ gắp.

    Giò lụa / chả lụa  được làm từ thịt giã thật nhuyễn với nước mắm ngon rồi được gói thành hình ống bằng lá chuối xanh sau đó cho vào nồi để luộc hoặc hấp. Khi ăn chúng ta thái thành từng khoanh nhỏ, giò có màu trắng mịn, có vài lỗ nhỏ trên bề mặt. Nguyên liệu để làm Giò lụa / chả lụa  có thể bằng thịt lợn hoặc thịt bò đều rất ngon.

    Có ý nghĩa là “trong ấm ngoài êm, phúc lộc đầy nhà” một phần không thể thiếu của ẩm thực Việt. Món ăn ngon này được làm từ thịt heo, giã nhuyễn trong cối đá và gói bằng lá chuối rồi luộc hoặc hấp chín. Khi ăn thái thành từng khoanh, những miếng giò trắng mịn, giòn dai, thơm ngon không chỉ là món ăn ngon mà có thể dành tặng cho những thành viên trong gia đình mình.

    Nguồn: Sưu tầm và tổng hợp